Baohatinh.vn) - Bằng sự linh hoạt, táo bạo, nhiều nông dân ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo những vùng đất trồng lúa kém năng suất thành các mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Mô hình chăn nuôi vịt kết hợp với thả cá rộng 2 ha của anh Võ Tá Hải được chuyển đổi từ các thửa ruộng kém hiệu quả.

Hơn 10 năm trước, trên vùng trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang của TDP Bắc Quý, anh Võ Tá Hải (SN 1972) đã mạnh dạn thuê lại hơn 2 ha đất ruộng không đủ điều kiện canh tác để chuyển đổi thành ao chăn nuôi vịt kết hợp thả cá.

Anh Hải chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi vịt từ hơn 20 năm trước. Khi việc chăn nuôi dần phát triển, cần có diện tích rộng hơn để mở rộng quy mô nhưng ở thời điểm đó, quỹ đất của gia đình không đáp ứng được. Đến cuối năm 2011, nhận thấy trên địa bàn TDP có nhiều diện tích ruộng kém hiệu quả nên tôi đã thuê lại, mạnh dạn đầu tư kinh phí thuê máy móc san ủi mặt bằng, đào ao, đắp bờ để nuôi vịt, thả cá”.

Nhờ chăm chỉ, đầu tư có trọng điểm nên việc chăn nuôi vịt của anh Hải thuận lợi, đem lại thu nhập cao.

Đất không phụ công người, qua thời gian bỏ công sức cải tạo với kinh phí hơn 300 triệu đồng, đến nay, mô hình của anh Hải đã có hơn 7.000 con vịt đẻ. Trung bình mỗi ngày, trang trại thu hơn 5.000 quả trứng, cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trên diện tích mặt nước của trang trại, anh Hải kết hợp thả cá trê, mè, chép... Ước tính mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Trên diện tích mặt nước của trang trại, anh Hải kết hợp thả cá, ước tính mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Anh Hải phấn khởi chia sẻ: “Bình quân mỗi năm, mô hình của tôi cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Việc thuê lại và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang làm trang trại là quyết định đúng đắn, giúp tôi có quỹ đất để đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác và phát huy hết tiềm năng những chân ruộng bỏ hoang, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Sau 8 năm, hiện mô hình kinh tế của HTX Hà Tâm đã có 16 hồ nuôi tôm và cá.

Cũng trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả của TDP Trung Quý, năm 2014, ông Nguyễn Tường Hà (SN 1969) cùng với 6 thành viên khác đã thuê lại hơn 7 ha đất để thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm.

Ông Nguyễn Tường Hà - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm chia sẻ: “Trước đây, diện tích đất được người dân trong TDP sử dụng để trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên họ dần bỏ đất, không còn canh tác. Nhận thấy đất để không cỏ dại mọc um tùm rất lãng phí, tôi đã bàn bạc với 6 người bạn cùng nhau vận động người dân cho thuê lại để làm ăn”.

Mỗi năm, trang trại của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm thu hoạch được khoảng 30 tấn cá, cho nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng.

“Sau khi thuê được ruộng, tôi đã triển khai đắp bờ, kè bờ và hoàn chỉnh kênh dẫn nước để quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản trên diện tích 7 ha. Vừa làm, tôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi vịt, cá rô phi, cá chép, tôm càng xanh…” - ông Hà cho biết thêm.

Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên hiện mô hình của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm đã có 16 hồ nuôi tôm và cá. Mỗi năm, HTX thu hoạch được khoảng 30 tấn cá các loại, cho nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng và khoảng 2 tấn tôm càng xanh, đưa về nguồn thu khoảng 700 triệu đồng.

Thành công từ mô hình kinh tế của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm đã khẳng định hướng đi đúng trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Ngoài ra, với hơn 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày, HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm thu được hơn 1.600 quả trứng, mỗi năm cho nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX còn nuôi vịt thịt. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong ruộng đồng, vịt có nguồn thức ăn trong tự nhiên nên giúp HTX giảm được chi phí mua thức ăn, công chăm sóc, vịt khỏe mạnh và ít dịch bệnh, cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hà chia sẻ: “Hiện tại, doanh thu mỗi năm của HTX đã đạt gần 5 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ đa dạng thêm vật nuôi để tăng nguồn thu, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Trên địa bàn phường Thạch Quý hiện vẫn còn nhiều diện tích đất lúa không canh tác, người dân có thể để chuyển đổi để phát triển kinh tế.

Hiện tại, trên địa bàn phường Thạch Quý, ngoài ông Hà, anh Hải còn có một số mô hình chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi vịt. Các mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn giúp đời sống người dân ngày một được nâng lên, đóng góp vào sự đổi thay bộ mặt kinh tế của địa phương.

Ông Điện Văn Minh - Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: “Thành công từ việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình trang trại của anh Hải, ông Hà đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn. Thời gian tới, địa phương sẽ đề xuất UBND thành phố cho phép cải tạo các diện tích đất kém hiệu quả trên địa bàn; đồng thời, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo hướng công nghệ cao với những cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao".

https://baohatinh.vn/nong-nghiep/nong-dan-tp-ha-tinh-bien-nhung-ruong-lua-kem-nang-suat-thanh-cac-mo-hinh-kinh-te-tien-ty/236171.htm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 269.810
    Online: 31