Trong thời gian qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững của thành phố Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư; Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh nói chung cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức như: Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẽ, ô nhiễm môi trường; Việc hình thành nền nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố là chưa thật rõ ràng, chưa có cú huých thật mạnh để phát triển nền nông nghiệp đô thị; Người nông dân không mặn mà với đồng ruộng, thậm chí việc bỏ hoang hóa đất sản xuất ngày càng nhiều.
Các khó khăn, thách thức nêu trên chính là điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp của thành phố chúng ta trong thời gian qua. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu của đô thị đang phát triển là rất cần thiết. Với sự chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã chỉ đạo thực hiện chủ đề năm 2021 “Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị gắn với dịch vụ du lịch sinh thái”.Đây thể hiện sự quyết tâm rất lớn về phát triến nông nghiệp đô thị của Cấp ủy, Chính quyền thành phố. Với quan điểm chỉ đạo của BCH Đảng bộ thành phố khóa XXI là xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các văn bản chỉ đạo của Cấp ủy – Chính quyền thành phố được ban hành. Ngày 10/8/2021 Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 19- CT/Th.U về tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp đô thị; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ; Và tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 04/8/2021 với mức dự toán ngân sách thành phố hỗ trợ trên 36 tỷ đồng. Trong đó mức ngân sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị lên tới hơn 30 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư chưa thực nhiều so với yêu cầu nhưng với mức hỗ trợ này từ trước đến nay chưa bao giờ có. Đây thực sự là cú huých, là tiền đề cho phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố trong thời gian tới.
Với cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, trong thời gian qua Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐU; và UBND phường đã ban hành kế hoạch số 31/KH-UBND về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, đã triển khai thử nghiệm, áp dụng khoa học kỷ thuật, công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi như: Trồng hoa cây cảnh; rau củ, dưa lưới theo hướng an toàn trong nhà lưới; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi vịt đẻ; Nuôi trồng thủy sản gắn với kinh doanh dịch vụ; chăn nuôi bò nhốt; Sản xuất thử nghiệm các loại giống lúa có năng suất và chất lượng ; phát huy hiệu quả kinh tế vườn như chỉnh trang vườn hộ, xóa vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả như Hồng xiêm và ví sữa tím …
Mô hình Nuôi trồng thủy sản gắn với kinh doanh dịch vụ của hội viên Nguyễn Tường Hà, TDP Trung Quý
Mô hình trồng rau nhà lưới 550m2 của hội viên Trần Hữu Tâm, TDP Trung Lân
Mô hình trồng dưa lưới 800m2 của hội viên Lê Văn Anh, TDP Đông Quý
Mô hình trồng cây ăn quả 1000 m2của hội viên Đậu Xuân Hùng, TDP Trung Quý
Đặc biệt, Hội Nông dân phối hợp với UBND phường triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy, đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên Nông dân và Nhân dân triển khai thực hiện, kết quả bước đầu thực hiện tập trung với diện tích 11.4 ha, sản xuất giống giống lúa có năng suất, chất lượng khá cao như Bắc Thịnh; VRN20. Năng suất đạt 6 tấn/ha, cao hơn vùng chưa tập trung 1.5 tấn/ha. Kết quả cho thấy đây là hướng đi đúng và cần tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân,…
Cánh đồng vùng tập trung ruộng đất 5 hecta, tại TDP Đông Quý
Ngoài ra, hiện nay Hội Nông dân phường đang tập trung thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 16/6/2022 Ủy ban Nhân dân Thành phố đã vận động hội viên phát triển nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng và xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi, mô hình nuôi chồn hương với số lượng trên 20 con và dự kiến trong thời gian tới Hội sẽ tập trung tuyên truyền vận động hội viên, nhân dân tận dụng các diện tích hoang hóa để phát triển các mô hình nuôi trồng như cá, sen, ốc bươu đen….
Mô hình nuôi chồn hương của hội viên Võ tá Khương, TDP Tiền Giang
Mô hình chăn nuôi vịt đẻ, số lượng 8000 con của Hội viên Võ Tá Hải, TDP Bắc Quý
Việc phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị trong điều kiện hiện nay là vấn đề đáng quan tâm nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người Nông dân là vấn đề quan trọng, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp.
Xác định được mục tiêu, quan điểm trong xây dựng, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế Nông nghiệp đô thị trên địa bàn phường. Trong thời gian tới Hội Nông dân phường Thạch Quý sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng đô thị văn minh, làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi, có năng suất, chất lượng và hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thứ hai: Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng phát triển các mô hình kinh tế trong nông nghiệp. Trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân, tiếp cận khoa học kỷ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong sản xuất. Đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ , đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;
Thứ ba: Tiếp tục vận động hội viên nông dân tập trung ruộng đất, đưa máy móc vào sản xuất trên quy mô lớn, hình thành cánh đồng mẫu và sản xuất các giống mới có năng suất và chất lượng cao. Tạo điều kiện cho việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các hộ sản xuất trong việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
Thứ tư: Vận động bà con nông dân tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy lợi thế kinh tế vườn gắn với du lịch trải nghiệm . Thăm quan mô hình rau củ quả sạch; thưởng thức ẩm thực và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn…
Thứ 5: Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn và tham quan học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, nhằm khuyến khích hội viên và Nhân dân thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm, tận dụng mọi điều kiện, tiềm năng và lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Tập huấn phát triển mô hình sản xuất, nâng cao năng lực và chuyển đổi số
Tham quan mô hình vườn tại Xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà
Tham quan mô hình nuôi ốc và lươn tại xã Thường Nga, huyện Can Lộc
Có thể nói, đô thị hóa là quá trình tất yếu của thành phố Hà Tĩnh, đã tác động rất lớn đến đời sống và việc phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn. Trước thực tế đó, phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò chủ thể của Hội Nông dân thì nông nghiệp đô thị của chúng ta sẽ sang trang mới, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.