I. Điều kiện tự nhiên: Phường Thạch Quý nằm ở phía Đông thành phố Hà Tĩnh, có diện tích tự nhiên là: 339,48 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 50%. Dân số 2.012 hộ với 8.380 nhân khẩu được chia thành 11 tổ dân phố.

      Vị trí địa lý:

      - Phía Bắc giáp địa phận xã Thạch Hạ, xã Đồng Môn;

      - Phía Nam giáp địa phận phường Văn Yên, phường Tân Giang;

      - Phía Đông giáp địa phận xã Thạch Hưng;

      - Phía Tây giáp địa phận xã Thạch Trung, phường Nguyễn Du.

      II. Di tích lịch Sử: Trên địa bàn phường Thạch Quý có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Miếu Đôi, Đền thờ Trần Hậu Dật và Nhà thờ họ Trần Hậu.

1. Miếu Đôi: Di tích lịch sử văn hóa Miếu Đôi thời Nguyễn thuộc địa danh thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, tỉnh Hà Tĩnh. Nay thuộc địa phận phường Văn Yên, thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh. Di tích được phân bố trên một khuôn viên đẹp, thoáng mát, nằm giữa khu vực dân cư đông đúc và trù phú. Phía trước về hướng Đông là dòng sông Cả, vốn dĩ từ xa xưa được coi là một vùng đất địa linh nhân kiệt của Trấn Nam Hà Thành xứ Nghệ. Miếu Đôi được thành lập thờ thành hoàng là những danh nhân lịch sử có công khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp, mở mang bờ cõi biên giới phía tây nam của quốc gia Đại Việt. Theo truyền ngôn, gia phả các dòng họ và các cụ cao niên ở địa phương thì Miếu Đôi thờ Lý Nhật Quang, ông là một nhà chính trị, một tướng lĩnh tài ba, con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một hoàng tử lỗi lạc của Vương triều nhà Lý được phong tước Uy Minh Vương.

Năm 2006, Miếu Đôi đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh.

      Miếu Đôi được xây dựng quy mô lớn trên diện tích 1725m2, từ ngoài vào di tích là bức tắc môn xây bằng xi măng, vẽ hình con hổ cao 1,2m rộng 2,2m. Tiếp đến là sân nhà bái đường, nền xi măng có diện tích 6m x 7m. Nhà Bái đường được trùng tu năm 2017. Tiếp sau nhà bái đường là kiệu cộng đồng đặt chính giữa. Hai phía 2 bên của miếu cộng đồng là miếu thờ quan văn và quan võ. Mỗi miếu cao 2,3m, rọng 1,1m dài 1,7m. Phần chính trong cùng của miếu là 2 miếu thờ Lý Nhật Quang và Tô Hiến Thành. Mỗi gian cao 3,6m, dài 4,7m, rộng 3m. Phía bên trái của 2 miếu chính là thờ Tam Quận Công. Bên trái gian thờ Quận công là nền tế thần nông.

      2. Nhà thờ họ Trần Hậu:

      Nhà thờ họ Trần Hậu từ trước đến nay là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn, những di vật của tổ tiên dòng tộc Trần Hậu trong suốt gần 500 năm qua. Hàng năm, vào các dịp tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, ngày giỗ tổ ngày 15/8 âm lịch,  rằm tháng giêng, rằm tháng Bảy con cháu lại tụ tập về tại nhà thờ làm lễ tế chung để thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên.

     Nhà thờ họ Trần Hậu  phường Thạch Quý, Thành phố Hà Tĩnh với sự tồn tại trong suốt chiều dài 387 năm, tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời; một tòa điện dành cho linh hồn của các bậc Quận công, tướng lĩnh, những bậc tiền bối yêu nước, một lòng phụng sự nhân dân qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Để rồi! khi đi xa, mỗi người con tìm về thắp nén hương thơm để được các bậc tiền bối hiển linh tiếp thêm sức mạnh trên những chặng đường đi tới tương lai. 

Và cũng như những dòng tộc khác, di tích Lịch sử− Văn hóa nhà thờ họ Trần Hậu cũng được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử vàng của dân tộc. Nhà thờ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh, bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng tộc, những tấm gương sáng của tổ tiên, là nơi nguyện cầu những ước vọng của mỗi con người. Đồng thời thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, “nhân hậu thuỷ chung”, “đoàn kết tương thân tương ái”, “hiếu học”, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, lao động cần cù, sáng tạo... của dân tộc nói chung và dòng họ Trần Hậu Thạch Quý nói riêng.

Nhà thờ họ Trần Hậu tọa lạc trên khu đất rộng 508,5 m2 thuộc thửa đất số 383, tờ bản đồ địa chính số 19. Nhà thờ gồm hai tòa thượng điện và hạ điện có diện tích sử dụng 101m2.

Nhà thờ họ Trần Hậu thuộc thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc tổ dân phố Tiền Tiến, phường Thạch Quý, Thành phố Hà Tĩnh, do con cháu dòng họ Trần Hậu xây dựng vào năm 1632. Để thờ tự các vị Tiên tổ của dòng họ và các vị tiền bối đã có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước, được các triều đại Lê sơ, Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn, thời Nguyễn ban phong sắc chỉ, bằng cấp ghi nhận vì đã có công đánh giặc, giành lại non sông đất nước trong cuộc chiến Nam – Bắc Triều (thời Lê - Mạc) và thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh…Hiện nhà thờ được xây từ thời đó đang còn được giữ nguyên trạng, trước cửa nhà thờ còn giữ nguyên được câu đối thời bấy giờ, với nội dung:

     Di tích nhà thờ họ Trần Hậu là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nơi để con cháu thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dòng họ, thỏa mãn tâm lý hướng về cội nguồn, hiểu về nơi sinh thành của cha ông, về quá trình đấu tranh lao động gây dựng sự nghiệp lâu dài cho thế hệ mai sau. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần quan trọng vào việc định hướng và giáo dục con cháu tiếp nối nhau phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, để rồi tiến bộ hơn trong cuộc sống, trong công việc…

Việc nhà thờ dòng họ Trần Hậu được xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa tạo điều kiện để dòng họ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị có hiệu quả tốt nhất. Các loại hiện vật gốc gồm gia phả cổ, các đạo sắc, bằng cấp, …còn giữ tại di tích là nguồn tư liệu hết sức quý giá, có giá trị nghiên cứu về lịch sử văn hóa của dòng họ nói riêng và địa phương phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh nói chung. 

Trải qua thời gian dài hơn 387 năm, với những nét kiến trúc, vật liệu xây dựng, cùng với các câu đối khắc ghi tại nhà thờ cũ, cuốn Gia phả cũ được ghi chép từ năm 1533 đến 1847, cho thấy dòng họ Trần Hậu có ở  trên vùng đất  này có lịch sử gần 400 năm. Từ trước đến nay, nhà thờ do con cháu trong dòng tộc trông nom bảo vệ. Nhưng do hiện tại với diện tích nhà thượng điện, khuôn viên di tích không đủ chỗ cho con cháu tề tựu cùng lúc tại nhà thờ để thắp hương thờ cúng tổ tiên. Năm 2016, 2017 con cháu dòng họ đã góp công của để mua thêm đất xung quanh nhằm mở rộng khuôn viên nhà thờ; đồng thời xây thêm nhà thờ mới to hơn, khang trang hơi. Hiện Nhà thờ mới và nhà thờ cũ cùng nằm trong cùng khuôn viên. Mặt nhà thờ cũ hướng về Nam, nhà thờ mới hướng về hướng tây. Nhà thờ cũ được con cháu sử dụng làm nhà bảo tàng lưu giữ các kỷ vật, bảo vật của ông cha và là nơi sẽ đặt các tấm bia đá khắc ghi công trạng của các bậc tiền bối và những người có công lớn trong kiến tạo và đóng góp xây dựng nhà thờ hôm nay… 

            Ngày 11/02/2020 nhà thờ họ Trần Hậu được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 543/QĐ-UBND.

3. Đền thờ Trần Hậu Dật      

Trần Hậu Dật, sinh năm Đinh Tỵ (1617); ông được sinh ra trong một gia đình mà ông nội và thân phụ làm quan trong triều nhà Lê. Ông nội là Diên Quận công Trần Hậu Hoa, sinh ra ở làng Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay thuộc tổ dân phố Tiền Tiến, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vào năm Quý Tỵ  đời (Mạc) Đại chính (1533); là người có nhiều công lao với dân, với nước nên được triều đình vinh phong là: “ Minh nghĩa, Cương chính, Hiệp mưu, Đồng đức Công thần”, làm đến chức: Phụ quốc Thượng tướng quân tả Đô đốc, tước Quận công. Thân phụ là ông Trần Hậu Dinh, sinh năm Kỷ Tỵ đời Chính trị (1569), lúc trẻ làm việc trong phủ chúa Trịnh và cung Thế tử, đến năm Đinh Dậu đời Quang Hưng (1597) mới bắt đầu tham gia quân đội đánh giặc, được phong tước là Phú Lễ hầu. Do có nhiều công lao trong đánh giặc, trong ổn định triều chính, năm Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định (1602) được triều đình vinh phong là: Dương võ Oai dũng công thần, thăng lên chức Đô chỉ huy sứ Thự vệ sự. Đến năm (1623) lại được vinh phong: Dực vận Tán trị công thần, chức Đô đốc Thiêm sự, tước Quận công.

Năm 1658 và đầu năm 1659, Trần Hậu Dật phụng chỉ chuẩn của Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định vương Trịnh Tạc, theo Thống lãnh kiêm phủ trị xứ Nghệ An là Phó đô tướng quân doanh Tá Quốc, Thái phó  Phú Quận công Trịnh Căn, dốc mình chiến đấu, phá trận có công, được triều thần bàn định nên được thăng chức Tham đốc; được phong làm Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc Thần Võ tứ vệ quân vụ sự Lỵ Tường hầu.

Sau đó Trần Hậu Dật phò tá Nguyên Súy Trịnh Căn đánh các xứ ở Cao Bằng (vào những năm 1662, 1666 và 1667). Với công lao thành tích có được trên khắp các chiến trường miền Trung, Cao Bằng, năm 1668, Trần Hậu Dật tiếp tục được thăng chức Đề đốc; được phong làm Võ huân Tướng quân Đề đốc Thần Võ tứ vệ quân vụ sự Trí Tường hầu hộ quân thượng giai.

Từ Năm 1672 đến năm 1677 nhiều lần quản lãnh binh mã dưới quyền  đi chinh phạt, lập nhiều công lao, cung kính theo mệnh lệnh của Nguyên soái điển quốc chính Định Nam vương Trịnh Căn. Từng theo Trịnh Căn nam tiến;  trực tiếp chỉ huy quân lính hăng hái đánh phá lũy Trấn Ninh; dẹp trừ quân phản loạn ở Cao bằng, củng cố địa bàn Bắc bộ. Năm 1677, ông lại tiếp tục được triều đình bàn định ban tước Quận công.

Ông luôn được đánh giá là kẻ bề tôi trung trinh, cần mẫn. Từ năm 1678 đến năm 1683, ông lại được triều đình giao quản lãnh binh mã đi đánh giặc ở các xứ, lập nhiều công lao, tiếp tục được thăng chức Tham đốc và cho giữ nguyên tước Quận công.

Từ năm 1684 đến năm 1686, lại phụng theo Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh kiêm chưởng thứ chính là Thái úy Khiêm Quốc công Trịnh Bách từng nhiều lần đi đánh dẹp quân Nguyễn phía nam có công lại được ban thưởng chức Đề đốc, giữ nguyên tước Quận công.

Với 72 tuổi đời, hơn 45 năm theo đường binh nghiệp, được triều thần đánh giá là một vị tướng tài, kẻ bề tôi luôn dốc lòng trung thành để phò tá, từng nhiều lần đi đánh giặc có công. Ông mất vào ngày 26 tháng 5 năm  Mậu Thìn (1688), thọ 72 tuổi.

 Sau khi ông mất, nghĩ đến công lao của ông trong quá trình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, triều đình đã có chỉ dụ chuẩn thăng chức tước và tặng phong là Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đông quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Trí Quận công. Phần mộ của ông được táng ở xứ Cồn Hạc, địa phận thôn Trung Hậu, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà. Sau một năm, con cháu cùng dân làng lập đền thờ ông trên địa bàn thôn Trung Hậu, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà (nay là Tổ dân phố Tâm Quý, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Sau nhiều năm thờ tự, người dân trong và ngoài làng đã tôn ông làm Thành hoàng của làng mình.

Các thế hệ con cháu của ngài Trí Quận công luôn tiếp nối truyền thống ông cha, chăm lo học hành đã có hàng trăm người đỗ cử nhân, trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ cao cấp trong cơ quan Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được cử vào nhũng vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng; họ đều là những bậc hậu duệ thuộc dòng của ông sinh ra. Nối tiếp truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đánh giặc của ông, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều người con dòng họ Trần Hậu đã hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã anh dùng hy sinh nơi chiến trường đánh giặc, trong đó có người được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng Công an nhân dân.

          Đền thờ Trần Hậu Dật là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn, của một dòng họ có lịch sử hình thành và phát triển suốt hơn 400 năm qua. Hàng năm dân làng, con cháu dòng họ thường tổ chức lễ tế Ngài vào các dịp: Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và ngày Giỗ ông (26/5 âm lịch). Trong ngày này nhân dân trong làng, ngoài xã; con cháu, các bậc hậu duệ trên mọi miền Tổ quốc đều trở về nơi thờ tự để thắp nén hương thơm tỏ lòng biết ơn về những gì mà ông đã từng cống hiến cho đất nước trong giai đoạn lịch sử mà ông được sinh ra, lớn lên. Đồng thời, cũng là dịp để cháu con, các bậc hậu duệ báo công với về sự trưởng thành của mình trong công việc, trong cuộc sống. Và sau nữa, trước ngọn lửa hương, các bậc con cháu, hậu duệ cầu mong ông nơi chin suối “Vạn cổ anh linh” để tiếp tục phù hộ, độ trì cho dân làng Khang Quý, Tâm Quý; cho con cháu mãi: “ An khang – Thịnh vượng”.

Đền thờ Trần Hậu Dật là nơi thờ phụng danh nhân, người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử vàng của dân tộc. Đền thờ luôn có một vị trí đặc biệt với con cháu dòng tộc, là nơi nguyện cầu những ước vọng của mỗi người con dòng họ mỗi khi tụ về. Truyền thống ấy thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, “nhân hậu thuỷ chung”, “đoàn kết tương thân tương ái”, “hiếu học”, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, của con cháu danh nhân Trần Hậu Dật.

Đền thờ Trần Hậu Dật tọa lạc trên khu đất rộng 580 m2; gồm các hạng mục công trình: cổng, tắc môn, thượng điện, thể hiện sự khang trang, bề thế và hết sức linh thiêng.

Đền thờ Trần Hậu Dật là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, cố kết tình cảm của con cháu dòng họ. Giá trị văn hóa được thể hiện thông qua hoạt động tri ân, tưởng niệm của hậu duệ con cháu hướng về tiên tổ, những người không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển của một trong những dòng họ mà còn có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.

Ngoài ra, việc lưu truyền những nghi thức tế lễ từ đời này qua đời khác đã tạo nên nét văn hoá mang đậm bản sắc của một vùng quê cũng như góp phần gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể mà cha ông đã dày công sáng tạo.   

Đền thờ Trần Hậu Dật là một công trình kiến trúc mới được trùng tu tôn tạo. Nhà thờ có kiểu dáng thiết kế và xây dựng đặc trưng của các công trình tâm linh ở Hà Tĩnh, tất cả được tính toán khoa học và khoáng đạt, bao quát được cả một miền quê vừa thể hiện được tính tôn nghiêm của nơi tế tự, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu miền Trung.

Tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý hiếm như: sắc phong thời Lê, tư liệu Hán Nôm. Đây là những cổ vật quý, vừa mang tính lịch sử nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật, trên đó khắc hoạ phong phú và sinh động các đề tài tứ linh, tứ quý thể hiện trình độ, tay nghề của nghệ nhân dân gian xưa .

Từ trước đến nay Đền thờ Trần Hậu Dật được dân làng và con cháu dòng tộc bảo quản chu đáo, các hạng mục công trình thường xuyên được tu bổ, nâng cấp. Tuy nhiên, do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu và biến động xã hội đã làm cho một số hạng mục di tích bằng gỗ và nhiều hiện vật quý đồ thờ như: bài vị, cờ lọng, vũ khí nghi trượng, hoành phi, câu đối và bia đá phần nhiều bị mất mát hư hỏng và xuống cấp. Hiện nay, với ý thức gìn giữ các giá trị di sản văn hoá truyền thống, dòng họ đã đóng góp công của để tôn tạo đền thờ nhằm đảm bảo việc thờ phụng, đồng thời quan tâm bảo quản lưu giữ các hiện vật cổ có giá trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương.

          Tại di tích hiện còn lưu giữ các tư liệu, hiện vật gốc có giá trị như: sắc phong, gia phả chữ Hán, đại tự, đồ tế khí liên quan đến cuộc đời thân thế và sự nghiệp của Trí quận công Trần Hậu Dật. Đây là nguồn tư liệu quý đang được bảo lưu phục vụ cho việc nghiên cứu thêm tìm hiểu về vai trò, vị trí của dòng họ trong quá trình xây dựng cộng đồng làng xã ở vùng đất Trung Tiết xưa.

Ghi nhận công lao của Trí Quận công Trần Hậu Dật đối với nhân dân, với Tổ quốc trong thời kỳ đất nước đầy biến dộng bởi các cuộc nội chiến ở vào thế kỷ thứ XVII, ngày 02 tháng  12 năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 4107/QĐ-UBND xếp hạng Đền thờ Trần Hậu Dật phường Thạch Quý là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

4. Chùa Khang Quý:

Chùa Khang Quý ngày xưa thuộc xã Trung Tiết, phủ Thạch Hà. Sau ngày xã Trung Tiết chia thành 4 xã: Xã Thạch Hưng, xã Thạch Yên (nay là phường Văn Yên), xã Thạch Phú (nay là phường Hà Huy Tập), xã Thạch Quý (nay là phường Thạch Quý). Xã Thạch Quý có 4 thôn: Tiền Bạt, Hậu Thượng, Trung Hậu, Khang Quý; trong đó Khang Quý được thành lập 5 xóm: Bắc Quý, Tâm Quý, Trung Quý, Đông Quý và Nam Quý. Ngôi chùa được xây dựng trên địa bàn xóm Bắc Quý (nằm trong quần thể đền chùa) có diện tích theo số liệu bản đồ 299 năm 1981 là 19.970m2 (ghi đất vườn ươm) số liệu bản đồ 371 năm 1994 là 7.736m2 (ghi đất chùa). Phía bắc là Đền, phía nam là nhà Thánh (Hoàng làng); cạnh đó là  nhà Thần Nông, tiếp đến nhà chùa (thờ phật) và giếng chùa hiện nay vẫn còn. Đền chùa được xây dựng rất uy nghiêm và rất linh thiêng, cây cối rất rậm rạp và có nhiều loại cây. Mỗi năm được tổ chức các lễ tết, rằm tháng giêng, rằm tháng 7... và có 2 lễ chính đó là lễ: Lục ngoạt vào ngày 12/6 (âm lịch) tế Thần nông, lễ Trập bụt vào ngày 8/4 (âm lịch) ngày bụt sinh, trùng với lễ Phật Đản.

Theo các cụ cao tuổi ở khối phố Bắc Quý, nhân dân trong và ngoài khối phố  kể lại diện tích đền chùa rất rộng, các đền chùa xây dựng (gần 300 năm) rất khang trang và uy nghiêm. Phía bắc (gần đường đi về xã Thạch Môn) là nhà đền có: Thượng Điện, Trung Điện, Hạ Điện, Ấp Bái, Bái đường (nơi họp làng). Phía trước đền: Chính giữa là cổng chính, 2 bên cổng chính là 2 ông tướng và 2 cửa phụ, kế bên có 2 con ngựa. Tiếp đó là nhà Thánh (Hoàng làng); đến nhà Thần nông và cuối cùng là nhà thờ phật (gọi là chùa) hiện nay đang còn đó. Trong các nhà có giáo gỗ, kiệu rước, cờ, trống.v.v.dùng trong các dịp lễ, tết. Diện tích đất phía trước được chia làm 3 khoảng: Phía bắc gọi là ruộng Thánh, khoảng giữa gọi là ruộng tế Thần Nông, phía trong cùng gọi là ruộng phật. Số ruộng này hàng năm các cụ luân phiên canh tác, phần hoa lợi phục vụ cho làng mỗi khi có dịp lễ, lúc đó đền chùa còn nguyên vẹn hưng thịnh. Các cụ kể rằng bên cạnh chùa (nhà thờ phật) có cây mập muổng (nay gọi là cây xoài) cao nhất vùng và cây giới mà dân làng gọi là cây giới mồ côi, hiện nay vẫn còn. Ở đó lại có giếng chùa, nước rất trong dùng để ăn uống. Đến mùa hạn nhân dân 4 xã: Thạch Quý, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Thạch Môn, Thạch Đồng đến lấy nước về dùng. Ở dưới lòng giếng có 1 đĩa sứ to, lúc nào vét giếng nếu thấy và chạm vào đĩa thì phải dừng lại.

Theo lời và tài liệu của cụ Thái Kim Đĩnh – nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử nghệ tĩnh, người chuyên nghiên cứu và viết về dư địa chỉ Hà Tĩnh cho biết: Ở thôn Khang Quý, xã Trung Tiết - phủ Thạch Hà vào thời nhà Nguyễn đã có 1 ngôi chùa , nằm trong khuôn viên quần thể chùa – đền Khang Quý, hiện nay ngôi chùa mà người dân vẫn thường quen gọi là nhà Phật (chùa thờ phật) nay còn lưu lại 2 câu đối bằng chữ Quốc ngữ có nghĩa: “Toàn dân nhớ đến nhang lòng thành, kính chào đạo phật thánh linh thiêng”. 4 chữ Hán là: “Thượng cỗ dị lai” có nghia là: “Từ ngàn xưa cho đến nay”. Đặc biệt là di tích giếng chùa không biết xây dựng từ bao giờ mà ai cũng quen gọi là “giếng chùa”. Lòng giếng xây dựng bằng đá tròn to, rộng, đẹp và đây là nơi làng lấy nước về dùng ăn uống, nhất là đến mùa hè hàng năm nước giếng ở chùa này phục vụ cho nhiều xã lân cận. Có mạch nước ngầm nên khi nào vét phải nút lại, đến lúc vét xong mới xã (di tích giếng chùa là những minh chứng cho ta khẳng định ngôi chùa Khang Quý là 1 trong 15 ngôi chùa xưa của Thành phố Hà Tĩnh mà sử sách đã ghi chép lại còn để lại được di tích và giấu ấn hiện nay).

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, đến năm 1949 các đồ tế lễ và pháp khí của chùa, đền được huy động để chế làm vũ khí chống giặc Pháp.

Năm 1952 chợ tỉnh Hà Tĩnh sơ tán dời về họp chợ tại chùa. Do đặc thù của chợ nên phải chặt phá 1 số cây cổ thụ để làm lều quán. Lúc đó đời sống nhân dân đang nghèo nên việc thờ cúng và sửa chữa nâng cấp bị lãng quên.

Năm 1959 do nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cơ sở kho tàng cần phải xây dựng và việc nhận thức bảo vệ đền chùa còn hạn chế, nên đền, nhà Thần nông, nhà Thánh đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại phần chùa (thờ phật) hiện nay còn đó.

Năm 1962 vườn chùa được sử dụng làm vườn ươm cây của cơ quan lâm nghiệp huyện Thạch Hà.

Khoảng vào năm 1965 sau khi lâm nghiệp Thạch Hà giải thể không ươm cây nữa, hợp tác xã nông nghiệp thành lập vườn ươm cây phi lao, bạch đàn giao cho hội phụ lão và 1 số người ở xóm Bắc Quý làm và quản lý.

          Hiện nay Chùa Khang Quý là nơi sinh hoạt tôn giáo của Ban trị sự Phật giáo Việt Nam – Thành phố Hà Tĩnh

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 266.560
Online: 36